TP.HCM không khuyến khích xây dựng nhà phố trong 10 năm tới

Mới đây Sở Xây dựng TP.HCM đã trình UBND TP đề án “Xây dựng chương trình nhà ở giai đoạn 2021-2030”. Đề án đề cập đến nhiều giải pháp phát triển nhà ở trong bối cảnh thành phố đang đứng trước áp lực đô thị hóa mạnh mẽ, nhu cầu nhà ở bức thiết, tình trạng quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở các khu vực trung tâm, việc xây dựng các dự án nhà ở cao tầng tại các quận nội thành phát triển.

tphcm-thanh-lap-ban-chi-dao-xay-dung-khu-do-thi-phia-dong-1-1588603111142_1593509547.jpg
TP.HCM khuyến khích phát triển các dự án chung cư cao tầng để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân trong địa bàn TP
Từ nay đến năm 2030, TP.HCM không khuyến khích đẩy mạnh phát triển nhà ở thấp tầng để tận dụng quỹ đất làm nhà ở cao tầng hiện đại nhằm đáp ứng về số lượng và tỷ lệ nhà ở chung cư trong các dự án nhà ở mới.

Thay vào đó, TP khuyến khích cơ chế và chính sách mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở, Nhà nước sẽ bố trí vốn phát triển nhà ở xã hội để cho thuê, mua nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở khá lớn của các đối tượng có thu nhập thấp.

Đối với khu vực trung tâm quận 1, 3, TP ưu tiên tăng chỉ tiêu quy hoạch (dân số, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng…) cho các dự án cải tạo, xây dựng mới thay thế chung cư cũ trước năm 1975. Hạn chế phát triển các dự án mới đầu tư nhà ở cao tầng đến năm 2025 nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng.

Bên cạnh đó TP sẽ phát triển dự án nhà ở phải đảm bảo đồng bộ và thống nhất với cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; phát triển nhà ở cao tầng gắn với hệ thống giao thông ngầm, đường sắt trên cao tại khu vực trung tâm, khu vực nội thành hiện hữu; phát triển nhà ở lan toả theo hệ thống giao thông đô thị, các các tuyến đường chính kết nối các đô thị vệ tinh, đường vành đai liên kết vùng, hệ thống đường sắt trên cao.

Riêng các quận 8, 10, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp sẽ đẩy mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để kêu gọi đầu tư dự án nhà ở tại những khu vực có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật hạ tầng xã hội tương đứng đảm bảo và phù hợp.

Riêng 6 quận nội thành phát triển gồm quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức và Bình Tân sẽ ưu tiên phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn như tuyến metro số 1, các khu vực có kế hoạch thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương ứng, ưu tiên phát triển nhà ở xã hội.

Trong khi đó, năm huyện ngoài thành (huyện Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ, Bình Chánh, Nhà Bè) sẽ ưu tiên phát triển nhà ở theo dự án tại các thị trấn, khu dân cư nông thôn; phát triên khu du lịch ở kết hợp sinh thái nghỉ dưỡng, khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh.

Theo đề án, hiện nay TP.HCM có khoảng 1,92 triệu căn nhà trong đó nhà ở riêng lẻ chiếm hơn 88% còn lại là căn hộ chung cư. TP vẫn còn 13.770 căn nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ. Mật độ nhà ở trung bình là 913 căn/km2, thấp nhất tại huyện Cần Giờ là 29 căn/km2, cao nhất tại quận 4 với 10.894 căn/km2

Trong khi đó, quá trình quản lý, vận hành, bảo trì nhà ở còn tồn tại nhiều bất cập. Trung bình 5 năm dân số của TP.HCM tăng 1 triệu người (hiện có khoảng 13 triệu người đang sinh sống, làm việc thường xuyên). Tỷ trọng của dân số cơ học tăng thêm tại khu vực nội thành phát triển là 54,5% và ngoại thành là 42%.

Sở Xây dựng dự báo từ năm đến năm 2030 TP cần khoảng 150 triệu m2 sàn nhà ở (tương đương khoảng 830.000 căn nhà). Để đáp ứng được nhu cầu đó, về diện tích, đến năm 2030 TP sẽ cần tới 946 ha để xây dựng chung cư và 850 ha để xây dựng nhà ở riêng lẻ.
 
Top